Đăng ký ngay

Đăng nhập

Quên mật khẩu

Lost your password? Please enter your email address. You will receive a link and will create a new password via email.

Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương CBDC là gì? Đặc điểm, lợi ích, tương lai của CBDC như thế nào?

Tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương CBDC là gì?

Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency – CBDC) là hình thức kỹ thuật số của các loại tiền pháp định (fiat) do các ngân hàng trung ương của quốc gia phát hành.

Cũng giống như tiền mã hóa thông thường, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương CBDC cũng được giao dịch dựa trên các thuật toán phức tạp, sử dụng cơ sở dữ liệu được điều hành bởi ngân hàng trung ương và Chính phủ dựa trên nền tảng blockchain có thể tương tác và lập trình theo thiết kế.


CBDC được ghi bằng đơn vị kế toán quốc gia, do NHTW trực tiếp phát hành. CBDC cũng là một phần của nguồn cung tiền tại quốc gia ban hành và sử dụng đơn vị tiền tệ này. Đây là công cụ có thể dùng để thanh toán, chuyển giao và truyền tải bởi các hệ thống và dịch vụ thanh toán điện tử.


Mặc dù rất ít khả năng NHTW sẽ loại bỏ tiền mặt ra khỏi hệ thống thanh toán, nhưng điều này có thể xảy ra do những hiệu ứng tiêu cực của tiền mặt. Bản chất của tiền mặt là khó theo dõi nên nó thường được sử dụng để trốn thuế, rửa tiền và các giao dịch bất hợp pháp.
Tiền mặt cũng tạo ra rủi ro an ninh trong việc vận chuyển tiền và thanh toán. Vì vậy, chính phủ các nước mong muốn hạn chế thanh toán bằng tiền mặt nhằm góp phần giảm tội phạm và cải thiện việc thu thuế.

Đặc điểm của CBDC là gì, có giống bitcoin không?

Tùy theo nhu cầu của mỗi nước mà CBDC sẽ được thiết kế có những thuật toán và đặc điểm khác nhau, Tuy vậy cách thức hoạt động của chúng sẽ tương tự như hình dưới.
Tuy nhiên khi chính thức đi vào hoạt động chắc chắn CBDC sẽ có những thay đổi và cải tiến theo thời gian.

Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) mặc dù cũng là một loại tiền mã hóa, nhưng nó sẽ không có tính chất phi tập trung của các loại tiền mã hóa thông thường (như bitcoin, ethereum…) mà được triển khai bởi các cơ sở dữ liệu của ngân hàng trung ương, chính phủ hoặc các công ty tư nhân điều hành.


CBDC sẽ được kiểm soát tập trung ngay cả khi chúng nằm trên một Blockchain và được phân tán trên các nút khác nhau. Tuy công nghệ Blockchain hay sổ cái phân tán không phải là điều quá cần thiết đối với các CBDC nhưng một thuật toán đồng thuận vẫn là cần thiết để bảo mật hệ thống.

Bên cạnh những đặc điểm chung, CBDC có những đặc tính riêng có của tiền kỹ thuật số NHTW hiện nay. Tại mỗi CBDC, một giao dịch thanh toán chỉ liên quan đến việc chuyển giao trực tiếp qua NHTW từ một người sử dụng cuối cùng sang người sử dụng khác, không qua bất kỳ trung gian tài chính nào. Các giao dịch được dàn xếp trực tiếp bằng tiền NHTW, trên bảng cân đối kế toán của NHTW trong thời gian thực.


Một CBDC có thể chấp nhận thêm những dạng thức thanh toán trực tiếp khác, loại trừ sự cần thiết của trung gian tín dụng và vì thế đơn giản hóa cấu trúc của hệ thống tiền tệ, có thể khắc phục tình trạng chi phí cao và kém hiệu quả trong thanh toán qua biên giới.

Có ba mô hình CBDC: CBDC trực tiếp; CBDC lai; CBDC trung gian.


CBDC được các chính phủ kiểm soát tập trung giống như các loại tiền truyền thống, đồng tiền này không giống như Bitcoin và các sản phẩm tiền mã hóa thế hệ đầu tiên khác. Mặc dù CBDC khác với Bitcoin ở khía cạnh phi tập trung, không thể theo dõi, nhưng hai sản phẩm tiền tệ này có thể sử dụng cùng một công nghệ blockchain.

Lợi ích của tiền kỹ thuật số trung ương CDBC là gì?

Mặc dù nhìn chung hầu hết các chính phủ đều tỏ thái độ nghi ngờ về tiền kỹ thuật số. Nhưng lợi ích mà chúng đem lại khi áp dụng để tạo ra CBDC có thể vô cùng to lớn, bao gồm tăng trưởng kinh tế, hiệu quả về mặt tài chính, giao dịch và phát triển công nghệ. Sau đây là các lợi ích chính:

  • Việc thanh toán sẽ được giao dịch trực tiếp từ người nhận tới người gửi mà không phải thông qua các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính trung gian. Qua đó giảm bớt chi phí và nhân lực cần thiết. Giảm số giao dịch lỗi và giúp giao dịch xuyên biên giới trở nên nhanh và rẻ hơn.
  • Do không có các mệnh giá tiền như tiền giấy thông thường, các giao dịch bán lẻ sử dụng CBDC sẽ không gặp các vấn đề rắc rối về tiền thừa. Các giao dịch CBDC qua quét mã QR hay chuyển khoản sẽ an toàn hơn hẳn.
  • CBDC khiến cho người dân thường dễ dàng tiếp cận và giảm bớt chi phí với các công cụ tài chính. Nó cũng khiến cho các tổ chức tài chính hoạt động hiệu quả hơn khi tự động hóa rất nhiều công đoạn mà không phụ thuộc vào nhân lực.
  • Khi chủ động thiết kế ra CBDC, chính phủ sẽ dễ dàng theo dõi được hoạt động của dòng tiền, mọi giao dịch trở nên minh bạch. Từ đó giúp ngăn chặn hay đảo ngược các hoạt động phạm tội như trốn thuế, rửa tiền, trộm cắp hay mua bán chất cấm. Hơn nữa khi kiểm soát được DBDC, việc trả lại tiền cho nạn nhân bị mất tiền sẽ trở nên đơn giản.
  • Khác với các loại tiền điện tử khác, các giao dịch của CBDC hoàn toàn có thể thu hồi lại, CBDC cũng không thể thất lạc hay hư hỏng về mặt vật lý như fiat.
  • Do sự minh bạch trong các giao dịch, người dân hoàn toàn có thể kiểm tra bao nhiêu tiền đã được in ấn và được sử dụng vào mục đích gì, loại bỏ sự nghi ngờ đối với chính phủ.
  • Việc phát hành trực tiếp tiền tới người dân khiến cho các ngân hàng trung ương có thể trực tiếp điều chỉnh nguồn cung thay vì điều khiển gián tiếp thông qua các chính sách kinh tế như tăng giảm lãi suất.
  • Việc phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương chính là một giải pháp khả thi để theo kịp và kiểm soát tốc độ số hóa nhanh của nền kinh tế hiện nay. Mặt khác, nó cũng có thể cung cấp cho chính phủ một công cụ bổ sung để giám sát, đồng thời khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Tại sao các chính phủ phải cho ra đời CDBC của riêng mình?

Tiền tệ là một công cụ đắc lực của chính phủ dùng để quản lý người dân. Rất khó có khả năng chính phủ sẽ thả nổi hay từ bỏ quyền kiểm soát tiền tệ. Cuộc cách mạng Blockchain đã buộc họ phải nhanh chóng thích ứng với tiền điện tử, tạo ra các CBDC cạnh tranh để giành lại quyền kiểm soát. Nói dễ hiểu hơn, việc phát hành các CBDC bây giờ chỉ còn là vấn đề thời gian.


Nếu việc sử dụng tiền mặt pháp định giảm đáng kể, chính sách của NHTW sẽ phụ thuộc vào chính sách của nhà phát hành tiền điện tử tư nhân. Điều này có thể làm suy yếu nghiêm trọng việc truyền dẫn chính sách tiền tệ, cũng như hạn chế khả năng hoạt động của NHTW với tư cách là người cho vay cuối cùng và CBDC ra đời sẽ giải quyết tốt hơn vấn đề này.


Trong một nền kinh tế phát triển với mức giá ổn định, lãi suất trả cho tiền kỹ thuật số của NHTW thường là dương. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế gặp phải xáo trộn bất lợi nghiêm trọng, gây áp lực giảm đối với mặt bằng chung, NHTW có thể giảm lãi suất của tiền kỹ thuật số của NHTW để thúc đẩy kinh tế phục hồi và ổn định giá cả khi cần thiết. Cách làm này mang lại những điểm thuận lợi hơn so với việc lưu hành tiền giấy. Bởi hiện tại tiền giấy đặt ra hạn chế đáng kể đối với khả năng cắt giảm lãi suất chính sách để đối phó với những cú sốc bất lợi nghiêm trọng. Điều này đã được bộc lộ rõ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009.


Vì vậy, việc thay thế các tờ giấy bạc bằng tiền kỹ thuật số của NHTW sẽ cho phép các NHTW thực hiện chính sách lãi suất thực âm trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Với tiền kỹ thuật số của NHTW, chính sách tiền tệ sẽ không còn bị ràng buộc bởi giới hạn dưới có hiệu lực đối với lãi suất danh nghĩa. Do đó, lãi suất trên tiền kỹ thuật số của NHTW có thể đóng vai trò là công cụ chính của chính sách tiền tệ, không cần triển khai các công cụ tiền tệ thay thế như nới lỏng định lượng, hoặc dựa vào các biện pháp can thiệp tài khóa nhằm khôi phục sự ổn định giá cả.

Các nước trên thế giới đang triển khai CDBC như thế nào?

Từ năm 2014, Trung Quốc đã nghiên cứu tiền số quốc gia có tên e-CNY và thí điểm ra thị trường từ tháng 4/2020 nhằm tăng cường sự hiện diện của đồng tiền số ở mọi mặt đời sống, hoạt động thanh toán bằng e-CNY cũng đang trở nên phổ biến tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Khi các khu vực khác vẫn đang cân nhắc lợi ích của tiền kỹ thuật số thì Trung Quốc đã có một cơ sở hạ tầng thanh toán di động và kỹ thuật số vững chắc. Một phần lớn dân số đều sử dụng thanh toán bằng thẻ và chuyển thẳng từ tiền mặt sang thanh toán kỹ thuật số.


Còn tại Hàn Quốc, ngân hàng Trung ương nước này cho biết đã thành công 1 trong 2 giai đoạn đầu tiên của bài kiểm tra thử nghiệm về tính khả thi của CBDC. Theo đó CBDC đã hoạt động bình thường trong môi trường dựa trên điện toán đám mây. Tiếp theo giai đoạn thứ 2, CDBC sẽ được lên kế hoạch hoạt động chính thức và ứng dụng công nghệ mới trong việc tăng cường bảo vệ quyền riêng tư.


Về phía Campuchia, đây là một trong số những quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa CBDC vào vận hành chính thức. Ngân hàng nước này đã bắt đầu nghiên cứu tiền kỹ thuật số từ 2018 thúc đẩy giao dịch tiền Riel, giảm bớt tình trạng Đô la hóa tại nước này cũng như tận dụng việc luân chuyển tiền số trên các thiết bị điện thoại di động của người dân.
Các quốc gia như Hongkong, Thái Lan, Singapore và Nhật Bản cũng đang tạo lập một nhóm hợp tác với nhau. Trong đó các quốc gia thành viên được hỗ trợ tăng cường khả năng vận hành loại hình tiền số giữa các ngân hàng đa quốc gia, đồng thời thử nghiệm việc thúc đẩy thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới.


Đồng Euro kỹ thuật số cũng đang trong giai đoạn phát triển, và sớm có kế hoạch thử nghiệm. Đối với các quốc gia khác không thuộc khu vực đồng Euro, Thụy Điển là quốc gia tiến xa nhất khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ hai của đồng krona kỹ thuật số.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính trên thế giới, CBDC có lợi điểm là cho phép các bên tham gia vượt qua những khó khăn gặp phải do giao dịch thông qua các bên trung gian, cải thiện hiệu quả và sự an toàn của hệ thống thanh toán mà không cần đi qua tổ chức bù trừ, cho phép thanh toán theo thời gian thực. Đồng thời đây cũng là cách thức hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh gian lận và rửa tiền, trốn thuế, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện.

Việt Nam đang triển khai CDBC như thế nào?

Việt Nam với thế mạnh là dân số trẻ cùng mức độ phủ sóng Internet cao, và sự phổ biến của các thiết bị di động đang là những tiền đề vững chắc thúc đẩy CBDC phát triển trong thời gian tới. Từ đó, thúc đẩy hơn nữa nền tài chính toàn diện và nền kinh tế số.
Tuy nhiên, ở Việt Nam mọi thứ về CBDC đang ở giai đoạn nghiên cứu và chờ đợi các hành lang pháp lý phù hợp.


Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ chuỗi khối Blockchain giai đoạn 2021-2023.
Từ đó có thể thấy, mặc dù khởi động chậm hơn nhưng Việt Nam đã có những chủ trương, quyết tâm nhất định trong việc thúc đẩy ứng dụng blockchain và tiền ảo, tiền kỹ thuật số tại Việt Nam. Đây cũng chính là tiền đề cho việc xây dựng CBDC tại Việt Nam.

Nhưng có lẽ động lực và tham vọng lớn nhất để các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia lớn khi phát hành CBDC mà các NHTW đang nhắm đến là nhằm tranh giành sức ảnh hưởng của đồng tiền quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Việc các nước có đồng tiền mạnh, nền tảng công nghệ hiện đại và đầu tư bài bản, nếu thành công, CBDC của các quốc gia này sẽ là vòi bạch tuộc vươn ra can thiệp và chi phối hệ thống tài chính toàn cầu. Do đó mỗi quốc gia cần có chiến lược phù hợp để đảm chủ quyền tiền tệ của các quốc gia trên không gian mạng, những quốc gia có đồng tiền yếu sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.


CBDC còn là một vũ khí mới, một chiến thuật mới của “cuộc chiến tiền tệ” giữa các siêu cường. Từ lâu, Trung Quốc đã không giấu giếm tham vọng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và thách thức vị trí thống trị của đồng Đô la Mỹ. Theo giới phân tích, nếu Trung Quốc phát triển thành công một loại tiền kỹ thuật số mạnh, đồng Đô la Mỹ sẽ mất dần ảnh hưởng toàn cầu, do CDBC của Trung Quốc có thể thu hút các quốc gia mới nổi nắm giữ, những đối tác thương mại và con nợ đang phụ thuộc vào Bắc Kinh. NHTW Trung Quốc cho biết, Trung Quốc cần trở thành nước đầu tiên phát hành tiền kỹ thuật số trung ương nhằm thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và giảm phụ thuộc vào hệ thống thanh toán đồng Đô la Mỹ toàn cầu.


Tuy nhiên CDBC cũng có những mặt trái nhất định. Như mới đây khi một thành phố của Trung Quốc xảy ra tình trạng mưa lũ gây tình trạng mất điện diện rộng, đã khiến rất nhiều người dù có tiền trong tài khoản nhưng việc mua bán hàng hóa dịch vụ cơ bản thiết yếu trở nên vô cùng khó khăn do không thể thanh toán được.


Khi thế giới tiếp tục đón nhận các sáng kiến mới, một điều gần như chắc chắn là tiền kỹ thuật số và tài sản kỹ thuật số sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn hơn.

Bên cạnh những thách thức và rủi ro, các nền kinh tế ở các thị trường mới nổi có thể coi CBDC là cách để thúc đẩy số hóa tài chính, trong khi các nền kinh tế tiên tiến có thể coi tiền kỹ thuật số là công cụ thế hệ tiếp theo hỗ trợ và cải thiện các chính sách tiền tệ hiện có.

Viết bình luận