Ngộ độc rượu là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý đúng khi bị ngộ độc rượu

Câu hỏi

Ngộ độc rượu là gì? Dấu hiệu nhận biết như thế nào?

Ngộ độc rượu là tên gọi cho tình trạng ngộ độc với thức uống chứa cồn, bao gồm bia, rượu và rượu mạnh. Ngộ độc có thể xảy ra khi bạn uống quá nhiều rượu trong thời gian ngắn, dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng cao. Nếu không được kiểm soát, ngộ độc rượu có thể dẫn đến tổn thương não, hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ ngộ độc rượu, bao gồm tuổi tác, giới tính, tốc độ uống, khả năng dung nạp cồn, các loại thuốc và thức ăn dung nạp cùng với rượu. Việc uống rượu quá nhiều và quá nhanh có thể làm tăng nồng độ cồn trong máu cao đến mức nguy hiểm. Việc mất cảm giác bụng, mất phản xạ nôn ọe và ngừng thở có thể dẫn đến tử vong.

Uống nhiều bia rượu có thể dẫn đến ngộ độc, do đó, nhận biết các triệu chứng và cách xử trí sớm là rất quan trọng. Các triệu chứng ngộ độc thường gặp trong thời gian ngắn sau khi uống nhiều bia rượu bao gồm: nôn mửa, lú lẫn, thở chậm (ít hơn 8 nhịp mỗi phút), thở không đều (ngắt quãng trên 10 giây giữa mỗi lần hít thở), da có vẻ xanh hoặc nhợt nhạt, nhiệt độ cơ thể thấp (hạ thân nhiệt), co giật, bất tỉnh và không thể đánh thức. Nếu bạn nhận biết bất kỳ triệu chứng nào của ngộ độc rượu, hãy gọi người hỗ trợ và đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Cách Xử Lý Khi Bị Ngộ Độc Rượu.

1. Gọi số cấp cứu của địa phương càng sớm càng tốt:

  – Nếu nhận thấy một người uống quá nhiều rượu và có dấu hiệu gặp rủi ro, không đợi đến khi họ có đủ các triệu chứng ngộ độc rượu.

  – Lưu ý rằng một người say rượu đến mức bất tỉnh có thể tử vong nếu không được điều trị ngộ độc kịp thời.

2. Trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu đến:

  – Túc trực bên cạnh họ liên tục, không để người bất tỉnh do rượu ở một mình. Quan sát kỹ người bệnh, nếu thở yếu, ngừng thở hoặc tím tái thì hô hấp nhân tạo.

  – Nếu họ cần phải nằm xuống, đặt họ nằm nghiêng để ngăn ngừa nguy cơ ngạt thở.

  – Nếu một người bị ngộ độc rượu nhưng không bất tỉnh, cố gắng giữ bệnh nhân ngồi dậy.

  – Nếu bị nôn mửa, nghiêng người về phía trước để tránh bị nghẹn; cho họ uống nước lọc nếu có thể.

  – Giúp họ được giữ ấm bằng chăn hoặc áo khoác.

  – Chuẩn bị thông tin liên quan đến người bị ngộ độc rượu, loại rượu uống, càng chi tiết càng tốt.

Lưu ý: Các biện pháp đơn giản như gây nôn cho bệnh nhân có thể hữu ích trong cấp cứu ngộ độc rượu vì chúng giúp đào thải một lượng lớn rượu còn trong đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu thời gian người bệnh uống rượu đã lâu thì biện pháp này ít kết quả vì rượu đã được hấp thụ vào máu.

3. Phòng ngừa ngộ độc rượu:

  – Kiểm soát lượng rượu bạn uống vào.

  – Không dùng bia rượu như một trò chơi thi đua.

  – Không trộn rượu với thuốc hoặc các thức uống có gas.

Thongthai.vn

Trả lời câu hỏi