Tiềm năng của những AI như ChatGPT là vô tận, nó giống như một con giao rất sắc nhọn và sử dụng vào việc gì như thế nào sẽ phụ thuộc vào ý thức của mỗi người.
Sau đây là những công việc ChatGPT có thể làm giúp con người.
1/ Trợ lý ảo.
Ngày 30/1, thẩm phán Juan Manuel Padilla Garcia ở Cartagena (Colombia) đã dùng ChatGPT để hỗ trợ ra phán quyết tại tòa. Ông hỏi: “Trẻ vị thành niên mắc chứng tự kỷ có được miễn phí chi phí điều trị không? Trước đó có tòa án nào ra phán quyết tương tự chưa?”. Siêu AI đáp là có và dẫn luật số 1753, bộ luật năm 2015 của Colombia về quyền lợi được áp dụng cho toàn bộ cơ sở y tế dù công hay tư.
Dựa trên gợi ý đó, thẩm phán tuyên bố công ty bảo hiểm phải chi trả cho người bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại về tính chính xác, công bằng của AI vì cùng một câu hỏi, ChatGPT có thể cho ra những câu trả lời khác nhau.
Ngoài những trường hợp trên, ChatGPT len lỏi sâu vào đời sống của rất nhiều người, được sử dụng nhiều dưới vai trò của một chuyên gia tư vấn rất hữu ích, các vấn đề như khủng hoảng tuổi trung niên, định hướng nghề nghiệp, viết email, soạn đơn xin việc, tóm tắt tài liệu, dạy nấu ăn, cùng chơi trò chơi “nối từ”, kể chuyện cười, làm thơ…
2. Sáng tạo nội dung.
Những người sáng tạo nội dung thuộc nhóm sử dụng những lợi ích của ChatGPT từ sớm.
Ví dụ kết hợp ChatGPT với hai công cụ trí tuệ nhân tạo khác để tạo ra một video kể câu chuyện giả tưởng. Trong đó, ChatGPT sáng tạo ra toàn bộ câu chuyện, Midjourney tạo ảnh minh họa dựa trên những miêu tả của ChatGPT, còn Azure Voice tạo ra giọng đọc. Như vậy đoạn video đã được tạo ra với 90% công sức thuộc về AI, hoàn toàn có thể sử dụng được mà không vi phạm bản quyền.
Ngoài ra, ChatGPT có thể viết blog, viết thơ, văn hoặc sáng tác các câu chuyện theo yêu cầu. Mặc dù vẫn còn mang tính khuôn mẫu, song khi được chỉnh sửa bổ sung chi tiết đó là sản phẩm có chất lượng chấp nhận được, đồng thời giúp tiết kiệm đáng kể thời gian công sức cho những người sáng tạo nội dung.
3. Viết báo hay viết phát biểu cho Tổng thống.
Henry Williams, nhà báo tự do ở Anh, đã cho ChatGPT viết bài quảng cáo về cổng thanh toán dựa trên đơn đặt hàng của khách với chi phí 600 USD. Sau 30 giây, ChatGPT đã cho ra bài viết chỉn chu, đủ sức thuyết phục, ông chỉ việc chỉnh sửa lại một chút trước khi gửi đi và được xuất bản.
“Tôi thực sự tự hào là tổng thống của một quốc gia, nơi là quê hương của ngành công nghệ cao đang thực sự sôi động và sáng tạo. Trong vài thập kỷ qua, Israel luôn đi đầu về tiến bộ công nghệ, cũng như có nhiều thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực an ninh mạng, AI và dữ liệu lớn”, ông Isaac Herzog, Tổng thống Israel, phát biểu khai mạc tại hội thảo an ninh mạng Cybertech Global Tel Aviv 2023. Trước gần 20.000 khán giả, ông tiết lộ phần mở đầu này do ChatGPT viết.
Cuối bài, ông nhắc đến “trích dẫn đầy cảm hứng” cũng của ChatGPT: “Chúng ta đừng quên nhân tính chính là thứ khiến chúng ta thực sự trở nên đặc biệt trong thế giới này. Không phải máy móc sẽ định hình vận mệnh của chúng ta, mà là trái tim, khối óc và quyết tâm của chúng ta để tạo ra ngày mai tươi sáng hơn cho toàn nhân loại”.
4. Lập trình và kiểm tra code.
ChatGPT đang được các kỹ sư sử dụng để viết phần mềm và tìm lỗi. Một số công ty lớn như Amazon, Microsoft đã phải khuyến cáo nhân viên không được dùng siêu AI trong công việc do lo thông tin nội bộ vô tình trở thành dữ liệu huấn luyện chatbot.
Theo CNBC, trong một báo cáo nội bộ, Google cho biết ChatGPT vượt qua bài kiểm tra cho vị trí lập trình viên L3, với mức lương trung bình một năm là 183.000 USD.
5. Vượt qua các kỳ thi.
Nhiều học sinh, sinh viên đang dùng ChatGPT để giải bài tập. Việc này phổ biến đến mức một số trường đã cấm ChatGPT trong việc làm bài tiểu luận và viết báo cáo khoa học. Đồng thời sử dụng các phần mềm giúp phát hiện gian lận bằng ChatGPT.
Trong khi đó, giáo sư Christian Terwiesch của Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã thử thách ChatGPT với hàng loạt bài thi và siêu AI này đạt được điểm B hoặc B-, “thể hiện một cách tuyệt vời, từ câu hỏi phân tích quy trình và quản lý hoạt động cơ bản cho đến khả năng xử lý điển hình”. Tuy vậy, nó còn thiếu sót khi xử lý các câu hỏi phân tích ở quy trình nâng cao.
ChatGPT nói riêng và công nghệ AI nói chung mang đến lợi ích càng lớn thì nguy cơ cũng theo đó mà gia tăng gấp bội.
Một trong những nguy cơ hiện hữu về việc ChatGPT được sử dụng vào những việc như: Tạo phần mềm độc hại, gian lận trong giáo dục, giả mạo và lừa đảo trên mạng, chia sẻ những thông tin gây hiểu lầm hoặc sai về bản chất…
Công cụ này cũng bị nhiều người dùng “bắt bài”, sử dụng các biện pháp “cưỡng chế” để buộc ChatGPT vi phạm nguyên tắc do chính OpenAi đặt ra. Từ đó, công cụ AI này bắt buộc sẽ phải trả lời một cách “tự do” theo những nội dung mà người dùng muốn.
Tuy ChatGPT vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. Nhưng nó tạo ra những lo ngại sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Bất luận chúng ta có thích hay không, sống chung với AI là điều chắc chắn. Để sống chung thoải mái và nhàn nhã với nó, con người phải không ngừng học, nâng cấp bản thân.
AI có thể không bằng con người trong nhiều khía cạnh, nhưng nó liên tục học hỏi và chứng minh được khả năng trong nhiều lĩnh vực. Có thể bạn không bị thay thế bởi AI, mà bị thay thế bởi những người biết dùng AI để làm nhanh và làm tốt công việc hơn bạn.
Vẫn còn đó rất nhiều thách thức phải vượt qua trước khi AI như ChatGPT có thể trở thành một công cụ không thể thiếu, giống như cách mà Google đã làm được trong quá khứ.
Viết bình luận