Tại sao môi hay nứt nẻ vào mùa đông?
Trên cơ thể chúng ta, da môi là một trong những vùng nhạy cảm và tiếp xúc nhiều nhất với môi trường xung quanh. Vì không có các tuyến tiết chất nhờn như da bình thường mà lại tiếp xúc trực tiếp quá nhiều với gió, mặt trời, thời tiết lạnh và khô nên môi rất dễ bị tổn hại. Hệ quả của tình trạng này là kích ứng, viêm và bong tróc môi.
Ngoài ra Lão hóa và thói quen uống nước không đủ cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng môi bị khô và nứt nẻ.
Nguyên nhân cũng có thể đến từ việc phải há miệng để thở do nghẹt mũi, thói quen cắn môi, liếm môi nhiều lần. Hay trong quá trình chăm sóc da và làm đẹp môi tiếp xúc với các chất hóa học độc hại thường xuyên, chứa trong son môi như chì, paraben, methacrylate… có thể gây khô và nứt nẻ.
Việc bảo vệ độ ẩm cho đôi môi không chỉ mang lại cho bạn vẻ đẹp quyến rũ thu hút các đấng mày râu mà còn tốt cho sức khỏe của bạn. Đôi môi khô nứt cho phép các vi khuẩn cùng mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, khiến bạn bị nhiễm trùng, lở miệng hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe khác. Điều này có thể khiến bạn mất tự tin khi tiếp xúc cùng mọi người. Vì thế, việc hiểu rõ nguyên nhân và tìm ra biện pháp ngăn ngừa môi bị nứt nẻ vào mùa lạnh là rất quan trọng.
Làm cách nào để môi hết nứt nẻ?
Để duy trì độ ẩm liên tục cho đôi môi, bạn cần phải nuôi dưỡng và bảo vệ môi từ sâu bên trong. Do đó, nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất chính là uống đủ nước. Thói quen lành mạnh này sẽ giúp cung cấp đủ độ ẩm cho môi, đồng thời nuôi dưỡng đôi môi luôn khỏe đẹp.
Ngoài ra, nếu chế độ ăn hằng ngày của bạn có ít vitamin B, đôi môi của bạn sẽ có nguy cơ cao bị nứt nẻ. Để ngăn ngừa tình trạng này, việc ăn đầy đủ các thực phẩm bao gồm thịt tái, ngũ cốc tăng cường, sữa tách kem, phô mai Thụy Sỹ, trứng cùng đậu hũ mềm sẽ giúp cung cấp cho bạn đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho một đôi môi khỏe đẹp và mềm mịn.
Cần tránh những thành phần trong các loại son dưỡng bao gồm khuynh diệp, lanolin, axit salicylic, hương liệu và mùi thơm tổng hợp…
Một số lưu ý quan trọng để bạn có một đôi môi căng mịn mềm mượt:
Ngừng hút thuốc lá:
Thuốc lá chính là tác nhân góp phần tổn hại đến đôi môi của bạn. Nếu không muốn đôi môi bị thâm sạm, nứt nẻ và suy yếu, hãy từ bỏ thói quen xấu này trước khi quá muộn.
Cung cấp độ ẩm:
Hãy thường xuyên sử dụng một loại son dưỡng môi thiên nhiên như mật ong, dầu dừa để cấp ẩm liên tục cho đôi môi.
Thoa mặt nạ môi trước khi ngủ:
Thói quen này sẽ giúp nuôi dưỡng đôi môi trong suốt đêm và giúp bạn có đôi môi mềm mượt vào buổi sáng hôm sau.
Bỏ thói quen liếm môi:
Đây chính là một thói quen xấu khiến trời lạnh môi khô hơn bình thường. Dù rằng bề ngoài có vẻ rằng liếm môi sẽ giúp cung cấp nước cho môi tạm thời, tuy nhiên điều này sẽ chỉ làm đôi môi thêm nứt nẻ. Môi của bạn sẽ khô trở lại nhanh chóng sau khi bạn vừa liếm môi, khiến cho bạn lặp lại thói quen này lần nữa. Cứ như vậy, thói quen này sẽ duy trì liên tục trong ngày và môi sẽ trở nên khô nứt ngay sau khi bạn ngừng liếm. Do đó, tốt hơn hết là bạn nên cấp ẩm cho môi bằng một loại son dưỡng ẩm thay vì liếm môi.
Chọn lựa loại son dưỡng môi phù hợp:
Khi bạn gặp vấn đề trời lạnh môi khô, bạn nên thường xuyên sử dụng son dưỡng môi để làm môi thêm ẩm mịn. Tốt hơn hết là bạn nên chọn dùng loại son dưỡng có chứa thêm các chất dưỡng ẩm. Ngoài ra, loại son dưỡng này cần có thêm hiệu quả dưỡng ẩm lâu dài. Nếu có thể, hãy chọn mua loại son dưỡng nói trên nhưng có chỉ số SPF để chống nắng cho đôi môi nhé.
Hạn chế sử dụng son môi:
Nếu bạn có thói quen dùng son môi hằng ngày, hãy chọn sử dụng loại có chứa thêm các thành phần dưỡng ẩm. Tuy nhiên, tốt hơn là bạn nên hạn chế sử dụng son môi, đặc biệt là vào mùa lạnh. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng son dưỡng môi có màu bóng nhẹ.
Với phần lớn các trường hợp bị nứt nẻ, môi có thể tự phục hồi. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người mắc phải thường xuyên giữ ẩm môi bằng son dưỡng, mặt nạ dưỡng ẩm dành cho môi hoặc sáp ong.
Nếu bạn nhận thấy rằng môi của mình không được cải thiện sau khi sử dụng các cách trên, bạn nên đến gặp bác sĩ. Môi nứt nẻ có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng, do vi khuẩn có thể xâm nhập qua các vết nứt và trầy xước. Đây là hiện tượng viêm môi và cần được bác sĩ điều trị. Môi khô và nứt nẻ là hiện tượng rất phổ biến. Chú ý và phòng ngừa cẩn thận là chìa khóa để có được đôi môi đẹp hơn.
Viết bình luận